Contents
Trẻ hay bị chảy máu cam là bệnh gì và cha mẹ nên làm gì nếu con bạn bị chảy máu cam? Thay vì hoảng hốt và không biết cách xử lý, các bậc phụ huynh nên nằm lòng những bí kíp sơ cứu chảy máu cam cho con ngay trong bài viết này.
Trẻ hay chảy máu cam là bệnh gì?
Theo Thánh Y Hải Thượng Lãn Ông, nhiệt tích trong cơ thể một khi tăng cao sẽ làm “bức huyết vọng hành” khiến cho các mạch máu vỡ ra và gây ra các triệu chứng như xuất huyết, ho ra máu, đi ngoài ra máu hoặc chảy máu cam.
Dấu hiệu chảy máu cam có thể do nhiều căn bệnh khác gây ra và hiện tượng chảy máu một cách thường xuyên có thể là một trong những triệu chứng nguy hiểm. Do đó, khi có dấu hiệu chảy máu cam, cha mẹ nên cho con trẻ thăm khám để biết trẻ hay chảy máu cam là bệnh gì gây ra. Sau đây là một số căn bệnh gây chảy máu cam ở trẻ, cha mẹ cần nắm để có hướng điều trị thích hợp cho con.
1/ Bệnh viêm mũi dị ứng
Bệnh viêm mũi dị ứng là một trong những căn bệnh về đường hô hấp có liên quan mật thiết đến tình trạng chảy máu cam ở trẻ. Thông thường, trẻ bị viêm mũi dị ứng sẽ có nguy cơ bị chảy máu cam cao hơn các trẻ nhỏ khác.
Điều này được lý giải như sau, lớp niêm mạc của trẻ bị viêm mũi dị ứng luôn luôn ở trạng thái bị kích thích. Chính vì vậy, các mao mạch máu nhỏ bên dưới lớp niêm mạc mũi luôn luôn bị căng và rất dễ vỡ. Bên cạnh đó, viêm mũi thường gây ra các dấu hiệu ngứa ngáy ở vùng mũi cho nên để giảm cảm giác khó chịu này trẻ nhỏ thường gãi hay bóp mạnh mũi. Chính hành động vô tình này đã làm đứt các mạch máu và gây ra tình trạng chảy máu cam ở trẻ.
2/ Nhiễm khuẩn xoang hoặc có khối u
Một số trường hợp trẻ em hay chảy máu cam thường xuyên và máu có mùi hôi hay màu đỏ thẫm chứng chứng tỏ trẻ bị chảy máu do nhiễm khuẩn xoang hoặc khối u trong mũi xoang gây ra. Nếu thấy con có dấu hiệu này, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách chụp CT hoặc nội soi.
3/ Trẻ bị tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp cũng là nguyên nhân gây bệnh chảy máu cam thường xuyên ở trẻ nhỏ. Một khi huyết áp tăng cao sẽ dẫn đến hiện tượng áp lực thành mạch tăng và gây nứt vỡ thành mạch, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết đáy, chảy máu mũi, xuất huyết não,…
4/ Bệnh về máu
Trẻ mắc các bệnh về máu như giảm tiểu cầu cũng là nguyên nhân gây chảy máu cam thường xuyên. Do đó, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở thăm khám để làm các xét nghiệm máu và điều trị bệnh.
5/ Những người hay ngoáy mũi
Ngoáy mũi là thói quen của rất nhiều người. Với mục đích ban đầu chỉ là vệ sinh mũi, lấy đi các bụi bẩn và làm thông thoáng mũi. Tuy nhiên, việc này lặp đi lặp lại sẽ trở thành một thói quen xấu. Tay chúng ta không đảm bảo vệ sinh đem theo theo những tác nhân gây bệnh vào mũi, việc ngoáy mũi sẽ có thể làm xước hoặc làm vỡ mạch máu gây nên tình trạng bị chảy máu cam kèm theo viêm nhiễm.
Ngoài các bệnh nêu trên, trẻ em bị chảy máu cam cũng có thể là do thói quen chọc ngoáy tay vào mũi hoặc do thời tiết khô hanh. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì cha mẹ cũng nên tìm biện pháp khắc phục sớm cho con, để ngăn ngừa những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Trẻ bị chảy máu cam nên làm gì?
Khi trẻ bị chảy máu cam, nếu các bậc phụ huynh biết cách chăm sóc đúng cách, tình trạng chảy máu cam sẽ tự ngừng. Sau đây là các bước xử trí khi con bị chảy máu cam, cha mẹ cần phải nằm lòng.
✧ Bước đầu tiên: Cha mẹ nên giữ bình tĩnh, xác định chính xác bên mũi chảy máu, sau đó lau sạch máu đã chảy ra rồi hướng dẫn cho trẻ ngồi yên và cúi đầu xuống.
✧ Bước thứ hai: Phụ huynh nên thực hiện thao tác cầm máu cho trẻ bằng cách cho trẻ ngồi thẳng, cổ và đầu hơi ngả về phía trước. Với tư thế ngồi như thế này sẽ giúp tránh trường hợp máu chảy xuống vòm họng và gây ra tình trạng tiêu chảy hoặc buồn nôn. Khi đó, cha mẹ cũng không nên để trẻ nằm ngửa đầu ra sau hoặc kẹp đầu giữa hai đầu gối mà hãy dùng ngón tay cái và tay trỏ bóp chặt hai bên cánh mũi của trẻ lại. Phụ huynh nên bóp phần chóp mũi mềm chứ không nên bóp phần xương sống mũi và cũng không nên ấn lên một bên cánh mũi nếu chảy mũi chỉ một bên. Bởi làm như vậy sẽ không giúp cầm máu mà còn khiến máu chảy ra nhiều hơn. Sau khi thực hiện thao tác bóp chóp mũi, cha mẹ nên dùng đồng hồ canh đúng 10 phút rồi sau đó thả ra.
✧ Bước thứ ba: Sau khi thấy máu ngừng chảy, cha mẹ nên chăm sóc trẻ cẩn thận, cho trẻ nằm nghỉ trên giường. Tuy nhiên, nếu máu còn chảy xuống cổ họng, bậc phụ huynh nên cho trẻ nằm nghiêng qua một bên rồi hướng dẫn cho con đẩy máu ra ngoài bằng đường lưỡi. Cha mẹ nên dặn trẻ tuyệt đối không nuốt máu vào bụng, bởi máu có thể khiến trẻ bị đau bụng, nôn mửa và khó chịu.
✧ Bước cuối cùng: Trong quá trình thực hiện các thao tác sơ cứu mà máu vẫn còn tiếp tục chảy hoặc con bạn có dấu hiệu chảy máu nhiều lần kèm theo các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt hoặc nhịp tim đập nhanh, khó thở hay buồn nôn và nôn ra máu, sốt. Khi đó, cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh những ảnh hưởng không mong muốn có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, khi con trẻ bị chảy máu cam, mặc dù có thể xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên tự ý mua thuốc cho con sử dụng khi không có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu muốn dùng các bài thuốc Nam hay mẹo trị bệnh dân gian để chữa bệnh cho con như lá xương sông, lá bạc hà,… giã nhuyễn đắp lên mũi cho con để cầm máu, các bậc phụ huynh cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Trẻ bị chảy máu cam uống thuốc gì?
Thông thường, bệnh chảy máu cam ở con trẻ nếu đã áp dụng các biện pháp nếu trên mà vẫn không khỏi, thăm khám là điều duy nhất để bác sĩ giúp bạn giải quyết triệu chứng chảy máu ở con. Một số loại thuốc, bác sĩ sẽ kê đơn cho con bạn sau khi thăm khám cụ thể như sau:
- Thuốc nhỏ giọt oxymetazolin 0,025-0,05%: Với tác dụng co mạch tại chỗ và giảm tình trạng chảy máu cam. Tuy nhiên, thuốc không được dùng cho trẻ em nhỏ hơn 6 tuổi. Và theo quy định, thuốc chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, cho nên cha mẹ cũng không nên sử dụng thuốc dài ngày cho con sẽ dẫn đến tình trạng mất ngủ, đau đầu, hồi hộp và gây đau rát ở miệng.
- Thuốc dung dịch phenylephrin 2,5-5%: Dung dịch có tác dụng co mạch, giúp chống chảy máu và thường được dùng trong các trường hợp như chảy máu cam và phẫu thuật nhỏ. Tuy nhiên, thuốc chỉ được dùng trong thời gian ngắn ngày và chống chỉ định với các trường hợp như trẻ em dưới 6 tuổi, người bệnh tăng huyết áp, bí đái, tiểu đường, suy tim hoặc xơ cứng động mạch. Ngoài ra, thuốc không được dùng chung với các loại thuốc trị bệnh tăng huyết áp hoặc các acid amin cường giao cảm khác hay thuốc ức chế aminooxydase và tuyệt đối không được dùng trước khi gây mê bằng halogen.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cha mẹ cũng nên sử dụng thuốc nhỏ mũi có chứa dung dịch natri chlorid 0.9% để nhỏ mũi cho trẻ giúp mũi trẻ luôn luôn ẩm và hạn chế tình trạng khô mũi, gây kích ứng niêm mạc. Hơn nữa, phụ huynh cũng nên dặn con không nên ngoáy mũi bằng tay hoặc hỉ mũi mạnh khi bệnh vừa mới khỏi, hạn chế trường hợp chảy máu cam trở lại.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dùng một chút kem dưỡng ẩm Vaselin bôi vào phần trước của vách mũi nếu bé bị chảy máu mũi thường xuyên. Đồng thời, xây dựng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho con, bao gồm vitamin A và C để tăng cường sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch, giúp bảo vệ niêm mạc mũi. Đồng thời, nên giữ ấm cơ thể mỗi khi trời lạnh, nhất là vùng ngực, cổ và cằm.
Hy vọng với câu trả lời trên đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp rõ thắc mắc trẻ hay chảy máu cam là bệnh gì. Nếu thấy con có triệu chứng chảy máu cam, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở thăm khám. Tại đây, bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây chảy máu cam và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.
BTV: Nhật Hạ
→ Mẹ hãy xem ngay:
Bình luận (0)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!