Contents
Viêm họng và viêm thanh quản đều là những nguyên nhân gây ra hiện tượng khàn tiếng, ho và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc của người bệnh. Hai căn bệnh về đường hô hấp này đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là khi thời tiết chuyển sang lạnh.
Phân biệt: Viêm họng và viêm thanh quản
Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2012, tỷ lệ người mắc các bệnh lý về đường hô hấp như bệnh viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan,…. ngày càng tăng cao và cho đến nay bệnh không ngừng tăng nhanh. Theo đó, các nhà nghiên cứu cho biết, cứ 100.000 người thì có đến 3.8% dân số mắc phải bệnh viêm amidan, viêm họng, 3.1% mắc phải bệnh về viêm tiểu phế quản, viêm phế quản và có đến 4.1% số người mắc phải các bệnh lý về phổi.
Dựa vào số liệu thống kê có thể nói, các bệnh lý về đường hô hấp trong đó có bệnh viêm họng và viêm thanh quản là hai bệnh lý khá phổ biến hiện nay và các triệu chứng do bệnh gây ra thường giống nhau. Do đó, để điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần phân biệt rõ bệnh viêm họng và viêm thanh quản.
1/ Khái niệm viêm họng và viêm thanh quản
Viêm họng là một trong những dạng bệnh viêm nhiễm trùng khá phổ biến hiện nay. Một khi mắc phải bệnh viêm họng, người bệnh có thể cảm thấy đau rát ở vùng cổ họng, nhất là khi nuốt thức ăn hoặc nuốt nước miếng. Bên cạnh đó, viêm họng cũng có thể khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở. Viêm họng có thể xuất hiện riêng biệt hoặc xuất hiện kèm theo các bệnh liên quan như bệnh ho gà hoặc một số căn bệnh khác liên quan đến máu. Bệnh viêm họng thường xuất hiện và tự khỏi hẳn sau đó một tuần mà không để lại bất kỳ tổn thương nào hay di chứng nào về sau.
Viêm thanh quản cũng là một loại bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Bệnh xảy ra là do dây thanh âm bị sưng dẫn đến giọng nói bị khàn hoặc mất giọng. Theo lý giải của các chuyên gia, dây thanh âm là các nếp gấp trong niêm mạc thanh quản. Khi các dây thanh âm này bị sưng do một tác động nào đó, âm thanh tạo thành do không khí đi qua thanh quản có thể bị biến dạng và gây khàn tiếng. Thông thường, viêm thanh quản có thể tự khỏi sau đó 2 – 3 tuần. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể chuyển sang viêm thanh quản mãn tính và khiến việc điều trị mất nhiều thời gian hơn.
2/ Nguyên nhân gây viêm họng và viêm thanh quản
✽ Đối với bệnh viêm họng
Nguyên nhân gây viêm họng chủ yếu là do vi khuẩn và vi rút gây ra. Vi khuẩn gây viêm họng có thể là streptococcus nhóm A và streptococcus pyogenes. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc bệnh viêm họng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra như do môi trường sống bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi một cách thất thường, nhất là vào những ngày tiết trời khô hanh hoặc lạnh. Ngoài ra, viêm họng cũng có thể là do các bệnh liên quan đến đường hô hấp gây ra. Mặt khác, người bệnh hít phải khói thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm họng.
✽ Đối với bệnh viêm thanh quản
Phần lớn nguyên nhân gây viêm thanh quản bắt nguồn từ viêm nhiễm vi rút, vi khuẩn đường hô hấp. Và trong hầu hết các trường hợp viêm thanh quản đều là do nhiễm virus cảm cúm. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân gây viêm thanh quản điển hình là do người bệnh sử dụng giọng nói quá nhiều (hát hò quá mức). Ngoài ra, viêm thanh quản cũng có thể do một số nguyên nhân sau đây:
- Viêm do nhiễm trùng vi rút gây bệnh sởi hoặc quai bị.
- Viêm thanh quản cũng có thể do bệnh nhân hít phải chất gây dị ứng hoặc hít phải khói thuốc lá, chất độc hại.
- Bệnh xảy ra cũng có thể là do vi khuẩn bạch hầu nhưng trường hợp mắc bệnh do nhiễm khuẩn này thường rất hiếm.
- Viêm thanh quản do chấn thương, viêm phổi hay do bệnh trào ngược dạ dày (GERD)
3/ Dấu hiệu nhận biết phân biệt viêm họng và viêm phế quản
✽ Đối với bệnh viêm họng
Thông thường, các triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm họng cần kể đến đó là biểu hiện đau rát hoặc rất đau ở vùng họng. Sau đó, người bệnh sẽ có cảm giác rát buốt ở cổ họng khi nói chuyện hoăc khó nuốt. Tiếp sau những triệu chứng này là tình trạng cổ họng khô và giọng nói trở nên khàn khàn. Ngoài ra, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức ở vùng xương hàm và xương quanh xương cổ, nếu sờ có thể thấy có những cục hạch nhỏ nổi lên. Bên cạnh các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm họng nếu trên, bệnh nhân cũng có thể bắt gặp các triệu chứng như người bệnh cảm thấy mệt mỏi, hắt hơi, ho khan, cơ thể có dấu hiệu sốt nhẹ ban đầu và sốt tăng cao về sau.
✽ Đối với bệnh viêm thanh quản
Một khi bị viêm thanh quản, người bệnh sẽ cảm thấy nhanh chóng mệt khi nói. Sở dĩ hiện tượng này xảy ra là do dây thanh khép không kín dẫn đến tình trạng khi bệnh nhân nói hoặc phát âm, lượng không khí từ phổi đi ra mất gấp 3 lần bình thường, làm cho các cơ hô hấp phải gắng sức. Chính vì lý do này, người bệnh bị viêm thanh quản nếu không được điều trị kịp thời có thể gây khàn tiếng, giọng nói yếu hoặc mất giọng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị ho khan, ho khạc có đờm hoặc lẫn máu, đau họng và cảm giác buồn ở cổ họng, ăn uống kém.
Lưu ý: Bệnh viêm họng nếu không được chữa trị tốt có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, trong đó có bệnh viêm thanh quản.
Cách chữa viêm họng viêm thanh quản
Bệnh viêm họng viêm thanh quản thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe và bệnh có thể tự khỏi sau đó. Tuy nhiên, nếu người bệnh không chữa viêm họng viêm thanh quản, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và điển hình là viêm họng mãn tính và viêm thanh quản mãn tính, gây khó khăn trong việc điều trị bệnh. Do đó, bệnh nhân cần tiến hành thăm khám và điều trị viêm họng viêm thanh quản một cách nhanh chóng để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.
Để điều trị bệnh viêm thanh quản mang lại kết quả như mong muốn, người bệnh cần điều trị bệnh theo nguyên nhân gây bệnh. Nếu bệnh viêm thanh quản do viêm xoang hoặc viêm mũi dị ứng, viêm họng gây ra,… cách tốt nhất để chấm dứt bệnh, người bệnh cần điều trị dứt điểm 2 căn bệnh này.
1/ Chữa viêm thanh quản
Các thuốc chữa viêm thanh quản thường được sử dụng chủ yếu là thuốc giảm phù nề và thuốc chống viêm. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể dùng các loại thảo dược từ thiên nhiên để điều trị và phòng ngừa bệnh như
- Dùng mật ong và chanh tươi điều trị viêm thanh quản: Người bệnh nên khía lớp vỏ ngoài của chanh theo hình quả khế rồi đặt quả chanh trong một chén nhỏ. Tiếp đến, bệnh nhân cho thêm một vài thìa mật ong đủ để ngấm toàn bộ quả chanh. Sau đó, các bạn để chanh ngâm trong mật ong khoảng 1 – 2 tiếng rồi cắt ra và ngậm.
- Gừng: Người bệnh sử dụng một vài lát gừng tươi đem hãm trong nước ấm và thêm một ít mật ong hoặc thêm muối với chanh vào dùng để uống. Người bị viêm thanh quản nên sử dụng nước gừng uống thay nước lọc hàng ngày giúp cải thiện bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh nhân tuyệt đối không nên uống gừng vào buổi tối, vì gừng có thể gây ngộ độc.
- Giá đỗ: Giá đỗ có tính mát và có tính chống viêm, sát trùng khá hiệu quả. Do đó, người bệnh viêm thanh quản nên sử dụng một ít giá đỗ rửa sạch, nhai sống và nuốt lấy nước.
- Dùng cây rẻ quạt: Người bệnh có thể dùng 10 – 20g rễ cây rẻ quạt đem rửa sạch và nhúng qua nước sôi. Sau đó, đem cây giã nát với vài hạt muối và vắt lấy nước cốt. Ngậm nước cốt trong miệng và sau đó nuốt dần, kiên trì điều trị sẽ giúp giảm các triệu chứng do bệnh gây ra.
Bên cạnh các biện pháp điều trị viêm thanh quản bằng thuốc Tây và thuốc thảo dược, người bệnh nên thay đổi thói quen sống, hạn chế tiếp xúc với khói bụi, sử dụng giọng nói hợp lý, giữ ấm cơ thể… Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên hình thành thói quen tập thể dục hàng ngày để tăng sức đề kháng cho cơ thể và có chế độ ăn uống hợp lý.
Những điều người bệnh viêm thanh quản không nên làm khi bệnh khởi phát đó là:
- Khi mắc bệnh, người bệnh không được uống nước đá. Bởi nước đá lạnh có thể gây kích ứng dây thanh quản viêm dẫn đến tình trạng bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu.
- Không nói to và la hét trong thời gian mắc bệnh, hạn chế nói.
- Người bệnh tuyệt đối không được ăn thức ăn chứa nhiều gia vị cay nóng.
- Bổ sung nước đầy đủ không để cho cổ họng bị khô.
- Và điều đặc biệt quan trọng, viêm thanh quản thường tái phát do yếu tố thời tiết. Do đó, bệnh nhân nên giữ ấm không để cho vùng cổ bị lạnh.
2/ Chữa bệnh viêm họng
Thông thường, để điều trị bệnh viêm họng, các bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh mà đưa ra hướng điều trị bệnh khác nhau.
Đối với trường hợp viêm họng do vi khuẩn liên cầu gây ra, ngoài điều trị các triệu chứng của bệnh, bác sĩ sẽ kê kháng sinh cho bệnh nhân điều trị. Thuốc kháng sinh điều trị viêm họng do vi khuẩn gây ra thường được sử dụng kéo dài khoảng 10 ngày. Còn nếu bệnh viêm họng do vi rút gây ra, người bệnh chỉ cần điều trị triệu chứng bệnh và bệnh sẽ tự khỏi sau đó 5 – 7 ngày.
Một số biện pháp điều trị triệu chứng bệnh do vi rút gây ra như sau:
- Dùng thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau không kê toa có thể sử dụng để hạ sốt và giảm đau ở người lớn và cả trẻ nhỏ đó là acetaminophen và ibuprofen. Tuy nhiên, đối với tình trạng bệnh nhân sốt mà chưa loại trừ nguyên nhân gây sốt là do sốt xuất huyết, người bệnh tuyệt đối không nên dùng ibuprofen và aspirin.
- Vệ sinh miệng bằng cách súc họng: Một phương pháp truyền thống giúp giảm thiểu triệu chứng đau họng ở bạn đó là dùng nước muối súc họng. Cách làm đơn giản này vừa giúp cải thiện bệnh mà còn khá an toàn đối với bệnh nhân. Người bệnh có thể sử dụng nước muối sinh lý mua ngoài tiệm hoặc cũng có thể tự chế nước muối để súc họng. Nước muối tự chế theo công thức 1/4 – 1/2 muỗng cà phê muối (tương đương với 1,5 đến 3g muối) hòa tan trong 250ml nước ấm.
- Dùng thuốc xịt họng: Một số loại thuốc xịt họng có chứa thuốc tê như phenol hay benzocaine, giúp làm giảm tình trạng đau ở họng. Tuy nhiên, phương pháp này không được các bác sĩ khuyến cáo dùng cho trẻ nhỏ.
- Ngậm viên kẹo cứng có chứa chất gây tê: Đây là phương pháp giúp giảm đau họng khá tốt và mang lại hiệu quả cao hơn biện pháp dùng thuốc xịt họng. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ áp dụng cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.
Ngoài các biện pháp nêu trên, bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước để giúp bù nước cho cơ thể, giảm tình trạng khô niêm mạc họng, tránh trường hợp niêm mạc họng bị kích thích gây viêm nặng hơn.
Viêm họng và viêm thanh quản thường có các triệu chứng tương đồng nhau. Do đó, người bệnh cần phân biệt chính xác bệnh để có hướng điều trị bệnh hợp lý. Tốt nhất, các bạn nên thăm khám khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
BTV: Thiên Thiên
➥ Xem ngay: Trẻ bị viêm họng ho sổ mũi phải làm sao?
Bình luận (0)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!