Bệnh viêm họng cấp tính ở trẻ em và những điều mẹ cần lưu ý

Viêm họng cấp tính là một trong những bệnh lý hô hấp rất hay gặp ở trẻ em. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà cách điều trị thường không giống nhau. Tuy nhiên, viêm họng cấp tính ở trẻ em nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng thấp tim và nghiêm trọng hơn có thể đe dọa đến mạng sống của con trẻ.

Bệnh viêm họng cấp tính ở trẻ

Nguyên nhân gây viêm họng cấp tính ở trẻ em

Viêm họng cấp tính là bệnh rất hay gặp vào mùa lạnh. Bệnh thường xảy ra khi các mô và cấu trúc bên trong vòm họng bị viêm. Và nguyên nhân gây viêm họng cấp tính ở trẻ em chủ yếu là do vi khuẩn, vi rút có trong vòm họng. Ngoài ra, trẻ bị viêm họng cấp cũng có thể là do tác nhân bên ngoài như khói, bụi, thời tiết thay đổi đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh.

Bên cạnh đó, trẻ bị viêm họng cấp một phần là do bị lây nhiễm từ người khác. Chẳng hạn, trẻ ôm hôn hoặc ăn chung thức ăn hay chia sẻ đồ dùng cá nhân với người bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra. Khi đó, vi khuẩn lây nhiễm sẽ xâm nhập, tấn công vào cơ thể trẻ và gây viêm họng.

Triệu chứng viêm họng cấp tính ở trẻ em

Theo ý kiến của các bác sĩ khoa nhi, viêm họng cấp tính thường khởi phát một cách đột ngột. Biểu hiện nhận biết đầu tiên đó là trẻ bị sốt cao 39 – 40 độ C. Và kèm theo đó là các triệu chứng tắc mũi, chảy nước mũi, ho khan, đau họng khi nuốt,…

Bệnh viêm họng cấp do vi rút gây ra thường diễn ra từ 3 – 4 ngày. Cha mẹ chỉ cần cho con uống thuốc giảm sốt hoặc thuốc ho thì bệnh sẽ được đẩy lui. Đối với viêm họng cấp tính do vi khuẩn gây ra, mức độ tổn thương thường nặng hơn. Trẻ sẽ bị sốt, cơ thể mệt mỏi, viêm tấy hạch ở vùng cổ, đau nhức dữ dội. Khi đó, việc điều trị bệnh phải cần đến kháng sinh.

Khi nào cần đưa trẻ bị viêm họng cấp đến bệnh viện?

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau đây, cha mẹ nên đưa con đến ngay bệnh viện để khám. Bởi có lẽ trẻ đang bị viêm họng cấp tính.

  • Con trẻ bị sốt cao liên tục và không có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù cha mẹ đã chườm ấm và cho uống thuốc hạ sốt.
  • Trẻ thở nhanh, đôi khi khó thở và ho nhiều.
  • Đi phân lỏng hoặc nôn nhiều lần trong ngày.
  • Đau họng, khó nuốt hoặc nuốt vướng.
  • Chảy nước dãi quá nhiều, nhất là ở trẻ sơ sinh.

Biến chứng của viêm họng cấp ở trẻ em

Viêm họng cấp ở trẻ em nếu không sớm phát hiện và giải quyết kịp thời có thể gây bội nhiễm dẫn đến biến chứng viêm tai, viêm phế quản, viêm mũi,…  Chưa kể đến, liên cầu khuẩn gây viêm họng còn có thể kích thích cơ thể sản xuất kháng thể làm ảnh hưởng đến khớp, tim và thận gây sốt thấp khớp, viêm cầu thận. Và một trong những biến chứng nguy hiểm nhất là bệnh thấp tim.

Điều trị viêm họng cấp ở trẻ em

Hầu hết tất cả các trường hợp bé bị viêm họng cấp do vi rút gây ra đều không cần điều trị. Thế nhưng, đối với viêm họng cấp do vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định để chữa trị cho trẻ. Penicillin hoặc thuốc kháng sinh có dạng phổ tương tự penicillin như amoxicillin sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh. Đồng thời, giúp ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm vi khuẩn. Các loại thuốc kháng sinh này thường được dùng dưới dạng viên uống hoặc dạng tiêm. Nếu trẻ bị dị ứng với penicillin hay amoxicillin, bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại kháng sinh khác.

Thuốc điều trị bệnh viêm họng cấp tính ở trẻ em

Ngoài ra, bé bị viêm họng cấp có thể làm giảm đau họng bằng các thuốc giảm đau không kê toa như acetaminophen (Tylenol). Thuốc này chỉ được dùng cách nhau 4 đến 6 giờ và không được dùng quá 5 lần trong một ngày. Và tuyệt đối không nên dùng Acetaminophen cho trẻ dưới 3 tháng tuổi khi không có sự cho phép của bác sĩ. Liều lượng dùng của thuốc tùy thuộc vào cân nặng của trẻ.

Hoặc cha mẹ cũng có thể cho trẻ dùng một số loại thuốc chống viêm không chứa steroid như ibuprofen (tên thương hiệu của thuốc là Motrin, Advil). Tuy nhiên, thuốc này không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng. Liều lượng dùng của không phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ mà được tính toán dựa trên cân nặng.

Bên cạnh các loại thuốc đề cập trên, riêng Aspirin không được khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi. Bởi thuốc làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của trẻ đó là hội chứng Reye. Vì vậy, khi cho con sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bố mẹ cũng nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Biện pháp phòng tránh viêm họng cấp tính ở trẻ

Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế lời khuyên từ chuyên viên y tế. Vì vậy, nếu có thắc mắc về bệnh, các bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa.

Để phòng tránh viêm họng cấp ở trẻ, cha mẹ nên tuân thủ các gợi ý sau đây:

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên cho con. Tốt nhất, nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối 3 lần mỗi ngày. Thông thường, trẻ dưới 6 tuổi thường không biết cách súc miệng đúng cách. Vì vậy, cha mẹ nên hướng dẫn cho các bé biết nước súc miệng được nhổ bỏ, không nên nuốt.
  • Rửa tay cũng là cách giúp loại bỏ và ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Tay cần rửa sau khi bệnh nhân đi vệ sinh hoặc trước khi ăn uống. Ngoài ra, nên cho trẻ rửa tay sau khi hỉ mũi, ho hoặc hắt hơi. Tuy nhiên, rửa tay đơn thuần bằng nước lạnh không giúp tiêu diệt vi khuẩn trên da và móng tay. Bởi vậy, trẻ nên rửa tay bằng xà phòng và lau khô bằng khăn sạch.
  • Không nên cho bé tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm họng liên cầu khuẩn hay đồ đạc của họ như quần áo, bàn chải đánh răng,…
  • Luôn giữ ấm cơ thể cho bé khi trời chuyển lạnh, nhất là vùng ngực, cổ.
  • Giúp con bỏ hẳn các thói quen như ngoáy mũi, đưa tay lên dụi mắt hoặc lau miệng.
  • Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ.

Viêm họng cấp đặc biệt nguy hiểm ở trẻ. Nếu không được điều trị đúng cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Cho nên, khi thấy con xuất hiện các biểu hiện bất thường, cha mẹ nên đưa bé đến ngay bệnh viện hoặc các phòng khám. Tại đây, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cùng với chẩn đoán lâm sàng để đưa ra biện pháp điều trị bệnh phù hợp.

→ Có thể bạn quan tâm:

Đánh giá bài viết

Bình luận (0)

Bệnh viêm họng cấp tính ở trẻ em và những điều mẹ cần lưu ý

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.