Bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em và trẻ sơ sinh – mẹ cần phải biết!

Viêm mũi họng cấp ở trẻ em xảy ra do thời tiết thay đổi hoặc cũng có thể là do một yếu tố bên ngoài nào đó. Các triệu chứng của bệnh thường khiến trẻ khó chịu. Do đó, cha mẹ cần tiến hành chữa trị sớm cho con để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với sức khỏe của bé.

Hiểu rõ hơn về bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em

Theo bác sĩ CKII. Hoàng Thị Thanh Bình (Phó trưởng Khoa Tai mũi, họng bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bình Định) cho hay, bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em là một trong những căn bệnh dễ thấy ở trẻ và bệnh xảy ra do đường hô hấp bị nhiễm khuẩn. Bệnh hay xảy ra ở lứa tuổi mẫu giáo, nhà trẻ, các trẻ dưới 6 tuổi, Bởi lứa tuổi này thường chưa có ý thức trong việc tự chăm sóc bản thân và sức đề kháng còn yếu nên là đối tượng tấn công của vi rút, vi khuẩn gây viêm mũi, viêm họng.

Viêm mũi họng cấp ở trẻ em và cách điều trị

Theo một số thống kê tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bình Định, bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em chiếm đến 50 – 70% số trẻ bị bệnh và trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ đến thăm khám viêm mũi họng cấp và số trẻ này tăng lên khi thời tiết có sự chuyển biến từ nóng sang lạnh. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện trong quý I/ 2017 có đến 60 ca thăm khám bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em.

Dựa vào số liệu này có thể cho thấy bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em đang là một trong những bệnh phổ biến về đường hô hấp hiện nay và bệnh đang có xu hướng gia tăng mỗi ngày. Do đó, cha mẹ nên nắm rõ triệu chứng bệnh cũng nên nguyên nhân gây bệnh để có hướng chủ động trong việc điều trị bệnh cho con.

1/ Nguyên nhân viêm mũi họng cấp ở sơ sinh và trẻ nhỏ

Một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ nhỏ là do nhiễm khuẩn hoặc siêu vi gây bệnh trên đường hô hấp. Cụ thể các loại vi khuẩn, vi rút như Haemophilus influenzae, Adeno virút, Streptococus, Rhino virút,… có trong vòm họng, mũi khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ sinh sôi, phát triển và tấn công hệ hô hấp gây bệnh viêm mũi họng.

Bên cạnh các yếu tố môi trường như bụi, phấn hoa,… hệ miễn dịch suy yếu cũng chính là nhân tố dẫn đến bệnh. Bởi sức đề kháng yếu, cơ thể của trẻ sẽ không có sức phản kháng lại vi khuẩn gây bệnh xâm nhập. Do đó, những trẻ bị sởi, cảm cúm hoặc trẻ sinh non, cơ địa dị ứng là đối tượng có nguy cơ mắc và tái phát bệnh viêm mũi họng cấp khá cao. Ngoài ra, bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em có thể xảy ra do tiếp xúc với các trẻ bị bệnh khác. Bởi đây là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.

2/ Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em

 Triệu chứng bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em

Trẻ bị viêm mũi họng cấp sẽ gặp phải biểu hiện khó chịu sau đây:

  • Sốt: Đây là biểu hiện gặp đầu tiên ở trẻ. Ban ngày trẻ có thể nằm im và không có bất kỳ biểu hiện nào nhưng đêm đến sốt khiến trẻ khó ngủ, quấy khóc. Trẻ có thể sốt cao đến 39 – 40 độ C và có thể gây co giật.
  • Khó thở và bỏ bú, nôn ói: Viêm mũi họng cấp khiến mũi tiết dịch nhầy nhiều và làm sung huyết, phù nề. Do đó, trẻ sẽ cảm thấy khó thở hoặc thở khò khè. Đối với trẻ lớn, các bé có thể thở bằng miệng nhưng đối với trẻ sơ sinh việc không thở được sẽ khiến trẻ khó chịu, bỏ bú. Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ bị sút cân và gầy đi. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp trẻ bị nôn ói và hệ tiêu hóa có vấn đề.

3/ Biến chứng bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em

Thông thường, các triệu chứng này chỉ diễn ra từ 3 – 5 ngày và có dấu hiệu thuyên giảm. Hiện tượng sổ mũi sẽ giảm bớt, trẻ dễ thở hơn và sốt hạ dần. Đối với biểu hiện liên quan đến hệ tiêu hóa như nôn ói hoặc tiêu chảy nhẹ có thể sẽ kéo dài sau đó vài ngày rồi mới tạm ổn trở lại.

Tuy bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em có thể giảm sau đó nhưng bệnh có thể tái phát và gây ra nhiều biến chứng phức tạp, nếu cha mẹ không điều trị bệnh kịp thời cho con. Viêm tai xương chũm, viêm họng, viêm thanh quản, viêm tấy thành sau họng, viêm phế quản,… đều là các biến chứng trẻ có thể gặp phải do bệnh gây ra.

Mặt khác, sốt và viêm nhiễm kéo dài có thể gây rối loạn tiêu hóa dẫn đến thiếu máu, suy dinh dưỡng ở trẻ. Hơn nữa, nếu tình trạng viêm nhiễm do liên cầu khuẩn Beta tan huyết nhóm A như Streptococcus beta haemolytic group A có thể gây bệnh thấp tim hoặc biến chứng viêm cầu thận cấp.

Các biến chứng của bệnh gây ra nhiều di chứng tác động xấu đến sức khỏe của con trẻ, thậm chí có trường hợp nặng có thể gây tử vong. Do đó, cha mẹ cần sớm chữa bệnh cho con để đảm bảo sức khỏe cho bé về sau này.

II/ Phương pháp điều trị viêm mũi họng cấp ở trẻ

Về nguyên tắc điều trị viêm mũi họng cấp ở trẻ, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là giúp trẻ thông thoáng mũi. Phụ huynh có thể dùng nước muối sinh lý hoặc các loại thuốc xịt rửa mũi thông thường có bày bán trên thị trường để vệ sinh mũi cho bé. Và sau khi rửa mũi xong, cha mẹ nên hút dịch mũi cho con hoặc cũng có thể hướng dẫn cho trẻ cách xì mũi đúng. Với cách làm này không chỉ giúp làm sạch mũi, giảm viêm mà còn giúp trẻ thở dễ dàng hơn, giúp hồi phục niêm mạc, đồng thời, trẻ có thể ăn được và bú trở lại.

Điều trị viêm mũi họng cấp ở trẻ

Bên cạnh đó, phụ huynh nên bổ sung dinh dưỡng hợp lý giúp tăng sức đề kháng cho trẻ và cho con ăn những thực phẩm mềm, dễ hấp thu sẽ tốt cho quá trình tiêu hóa và điều trị bệnh.

Ngoài ra, cha mẹ có thể dùng các loại thuốc để cắt nhanh các triệu chứng hạ sốt, giảm sung huyết hay phù nề cho con. Trong trường hợp viêm mũi họng cấp ở trẻ em do nhiễm khuẩn gây ra, thuốc kháng sinh là lựa chọn duy nhất để chữa bệnh. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên dùng khi có sự đồng ý của bác sĩ. Vì tự ý dùng kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Bên cạnh dùng thuốc, các bậc phụ huynh cũng nên tham khảo các cách sau đây để phòng và cải thiện bệnh cho con.

  • Cho con trẻ đánh răng thường xuyên trước và sau khi ngủ. Bởi đây là cách giúp loại bỏ vi khuẩn gây bệnh ra khỏi vòm họng, giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi đường hoặc khói thuốc lá.
  • Áp dụng một số mẹo chữa viêm mũi họng cấp từ thuốc dân gian như pha mật ong với gừng hay mật ong với chanh cho trẻ uống. Hoặc cũng có thể dùng tắc chưng mật ong cho con ăn hàng ngày.

Viêm mũi họng cấp ở trẻ em tái phát liên tục và dường như rất khó có thể tránh khỏi. Do đó, cha mẹ nên đưa con thăm khám định kỳ và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo sự hướng dẫn của các chuyên gia tư vấn sức khỏe.

BTV: Nhật Hạ

→ Xem ngay:

Đánh giá bài viết

Bình luận (0)

Bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em và trẻ sơ sinh – mẹ cần phải biết!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.