Trẻ sơ sinh, trẻ em bị viêm phế quản phải làm sao?

Trẻ bị viêm phế quản phải làm sao? Hầu hết tình trạng viêm phế quản ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh thường kéo dài từ 2 – 3 tuần. Mặc dù bệnh không gây quá nhiều nguy hiểm nhưng nếu cha mẹ không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, ngoài việc hiểu rõ những giai đoạn của bệnh, cha mẹ nên nắm rõ thêm cách chăm sóc để khắc phục các biểu hiện khó chịu cho con trẻ.

Bệnh viêm phế quản ở trẻ là gì?

Theo PGS. TS. BS. Trần Văn Ngọc (Trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, bệnh viêm phế quản ở trẻ là hiện tượng viêm nhiễm đường thở dưới hay còn gọi là sưng cuống phổi. Bệnh tuy không gây ảnh hưởng vào nhu mô phổi nhưng khi cuống phổi bị viêm thường dẫn đến hiện tượng ho nhiều. Điều nguy hiểm được bác sĩ Ngọc đề cập ở đây đó là, nếu viêm phế quản không được điều trị kịp thời, bệnh có thể lan rộng đến nhu mô phổi dẫn đến bệnh viêm phổi.

Trẻ bị viêm phế quản phải làm sao? - viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ

Đối tượng dễ mắc phải bệnh viêm phế quản chủ yếu là trẻ em dưới 1 tuổi hoặc các bé đang mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, ho gà hoặc sởi. Ngoài ra, các bé bị còi xương, suy dinh dưỡng hoặc đẻ non cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản khá cao.

Bệnh viêm phế quản ở trẻ có thể chia thành:

  • Viêm phế quản cấp tính: Đây là tình trạng bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng do bệnh gây ra thường kéo dài vài ngày và không gây ra bất kỳ vấn đề bất thường nào trong quá khứ.
  • Viêm phế quản mãn tính: Nếu viêm phế quản cấp tính không được điều trị đúng lúc, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn, gây khó khăn trong việc chữa trị và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Đây được xem là một trong những điều kiện tạo nên bệnh tắc nghẽn phổi (COPD).

1/ Dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ

Dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ thường được nhận biết qua từng giai đoạn. Sau đây là các triệu chứng của bệnh viêm phế quản ở trẻ qua từng giai đoạn cụ thể như sau:

Dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ - viêm phế quản phổi trẻ sơ sinh

  • Giai đoạn bệnh mới khởi phát: Ở giai đoạn này trẻ thường xuyên ho khan, hắt hơi liên tục và kèm theo triệu chứng sốt nhẹ và sổ mũi.
  • Giai đoạn phát triển của bệnh: Trẻ có dấu hiệu sốt nặng hơn, da bắt đầu tím tái và xuất hiện tình trạng khó thở, thở khò khè. Song song với tình trạng này trẻ xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa ở mức độ nhẹ.
  • Giai đoạn nguy kiểm: Trẻ có biểu hiện sốt cao trên 38 độ. Lúc này, trẻ bắt đầu thở bằng miệng, môi có dấu hiệu khô lại và tay chân mềm nhũn. Mặt khác, trẻ ho liên tục theo từng cơn gần giống như ho lao hoặc ho gà. Ngoài ra, cha mẹ để ý có thể thấy lồng ngực của con hoạt động mạnh hơn bình thường và trẻ hay bị tiêu chảy, buồn nôn.
  • Giai đoạn nguy kịch: Ở giai đoạn này, da xanh xao và tim trẻ đập nhanh nhưng mạch đập yếu. Ngoài ra, trẻ có thể bị hôn mê hoặc tứ chi co gật.

2/ Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ

Theo các chuyên gia về đường hô hấp, một trong những nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ là do vi rút. Các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất đó là H. influenzae, phế cầu khuẩn rồi đến liên cầu khuẩn hoặc tụ cầu khuẩn,… Tất cả những loại vi khuẩn này thường tập trung chủ yếu ở mũi và họng của trẻ nhưng không gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch ở trẻ. Tuy nhiên, khi sức đề kháng của trẻ bị suy yếu chính là cơ hội tốt để chúng hoạt động và làm tăng độc tính gây bệnh khiến phế quản trẻ bị viêm.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên hết sức lưu ý, yếu tố thời tiết cũng chính là nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ. Khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh, lúc này, cơ thể trẻ sẽ không thay đổi kịp để thích nghi nên trẻ rất dễ bị viêm phế quản. Mặt khác, môi trường ô nhiễm chứa nhiều khói bụi, hóa chất độc hại, khói thuốc lá,… cũng chính là tác nhân góp phần gây sưng cuống phổi ở trẻ.

Điều trị viêm phế quản cho trẻ

Thông thường, nếu bệnh viêm phế quản của trẻ ở mức độ nhẹ, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên dùng kháng sinh để điều trị bệnh. Liệu pháp để điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ là làm nới rộng ống khí quản bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hoặc tăng cường bú sữa mẹ. Cách làm này không chỉ giúp trẻ không bị tắc đờm trong cổ họng mà còn giúp bệnh nhanh chóng khỏi sau đó vài ngày. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyên cha mẹ không nên dùng thuốc ho để điều trị bệnh cho trẻ, nếu ho giúp tống khứ đờm ra khỏi cơ thể thì vấn đề này hoàn toàn là việc hữu ích, giúp bệnh của con trẻ được kiểm soát tốt hơn.

Bên cạnh đó, đối với trẻ đã bước vào tuổi ăn dặm, phụ huynh nên cho con trẻ ăn những loại thức ăn dễ tiêu, ít chất ngọt và ít chất béo. Đồng thời, các mẹ nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn. Hơn thế nữa, để điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ em, trước bữa ăn cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho trẻ, giúp làm loãng dịch nhầy, làm thông thoáng mũi và hạn chế tình trạng viêm nhiễm do bệnh gây ra. Sau khi dùng nước muối nhỏ mũi, các mẹ nên dùng khăn mềm lau mũi cho con hoặc dùng dụng cụ hút mũi làm sạch chất nhầy chứa trong mũi trẻ.

Điều trị viêm phế quản cho trẻ - trị viêm phế quản cho trẻ sơ sinh
Tăng cường cho trẻ bú mẹ là cách giúp điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ nhỏ

Mặt khác, trong trường hợp bệnh viêm phế quản ở trẻ là do bệnh hen suyễn hay các căn bệnh dị ứng phế quản gây ra, bác sĩ sẽ kê toa thuốc mở rộng khí quản như thuốc uống bronchodilator hay thuốc corticosteroid làm dịu vết sưng tấy cho trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, các loại thuốc này đều không mang lại tác dụng điều trị viêm phế quản phổi ở trẻ em, nếu bệnh là do vi rút gây ra.

Đối với trường hợp trẻ bị sốt, cha mẹ không nên ủ ấm trẻ quá kỹ. Tốt nhất để chấm dứt cơn sốt, cha mẹ nên mặc cho con những bộ quần áo rộng rãi hoặc dùng nước mát chườm vào vùng nách, bẹn hoặc cổ cho con. Cha mẹ cũng có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt paracetamol cho con sử dụng nếu trẻ bị sốt cao. Tuy nhiên, trước khi cho trẻ sử dụng cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách thức dùng, tránh dùng quá liều gây tác động xấu đến sức khỏe con trẻ.

Hướng dẫn cách phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ

Bên cạnh việc điều trị và làm theo hướng dẫn của bác sĩ, phụ huynh nên tuân thủ theo những nguyên tắc sau đây để giúp phòng và ngăn ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ tái phát trở lại.

  • Luôn luôn giữ ấm cho trẻ, nhất là trong những ngày thời tiết chuyển mùa. Tuy nhiên, cha mẹ không nên mặc quần áo quá dày cho con hoặc mặc bộ quần áo với chất liệu không thấm hút được mồ hôi. Bởi điều này chính là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị cảm lạnh và gây bệnh về đường hô hấp nếu không chữa trị đúng thời điểm.
  • Nên cho trẻ uống nhiều nước trong những ngày bệnh. Bởi nước giúp làm ẩm, loãng đờm, giúp bé tống khứ đờm ra khỏi hệ hô hấp dễ dàng hơn.
  • Mẹ nên vệ sinh nhà ở sạch sẽ và không cho trẻ tiếp xúc với các hóa chất, khói thuốc lá gây bệnh. 
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng bao gồm vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ chống lại bệnh tật.
  • Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ ăn thức ăn để mát trong tủ lạnh, bởi hơi lạnh sẽ gây kích ứng niêm mạc họng và mũi dẫn đến viêm.
  • Khi trẻ nằm dưới máy lạnh, mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài là 2 – 3 độ. Không nên để trẻ nằm dưới máy điều hòa trong thời gian dài và cũng không nên để quạt máy điều hòa chĩa thẳng vào cơ thể bé.

Chủ động phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ chính là cách hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra đối với bé. Do đó, nếu nghi ngờ con mắc bệnh viêm phế quản, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành các thủ thuật chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với trẻ.

BTV: Hạ Thiên

➥ Mẹ nên xem ngay:

Đánh giá bài viết

Bình luận (0)

Trẻ sơ sinh, trẻ em bị viêm phế quản phải làm sao?

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *